15128912_167414840393193_4560680727230634782_o

Tác giả: Thomas Mann

NXB Trẻ

Nếu chỉ được dùng một từ để mô tả về Chết ở Venice thì tôi sẽ chọn từ “tinh tế”. Sự tinh tế toát lên từ mỗi câu chữ, mỗi suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật. Tác giả dựng lên một khung cảnh rõ đến từng chi tiết nhỏ, đến mức tôi như sống được trong câu chuyện. Tôi như được bước đi trên đường phố Venice, ngồi trên chiếc gondola có ghế đệm đen sì lún sâu như nằm trong quan tài, như theo từng bước chân bám theo người tình bé bỏng của Aschenbach. Tôi chìm trong cảm giác tội lỗi của ông, dõi từng mảy chuyển biến tâm trạng ông. Tôi thích thú nhìn ông giãy dụa trong dằn vặt bởi tình cảm điên cuồng, kỳ quái của bản thân. Có lẽ ẩn sâu trong mỗi con người đều là Satan, thoả mãn và sung sướng khi nhìn một linh hồn từng bước rơi xuống địa ngục.

Tâm tư của Aschenbach được viết cực kỳ tinh tế. Đầu tiên, ông được mô tả là một con người đầy mô phạm, kỷ luật đến máy móc. Với con mắt quan sát của một nhà văn, mọi thứ hiện lên vô cùng sinh động và tinh tế (vâng, tôi phải lặp lại từ này vì không còn từ nào khác). Sau lần gặp gỡ tình cờ với Tadzio, Aschenbach thay đổi. Ông khao khát nó, sợ hãi nó. Ông muốn chạy trốn khỏi Venice giống như bỏ chạy khỏi sự biến chuyển trong tâm hồn mình. Ông biết nếu cứ để mặc như thế, ông sẽ chết, còn nếu bỏ đi… ông chỉ chờ một cái cớ để được ở lại. “Một nỗi vui sướng điên cuồng, một cảm giác hoan hỉ không thể tả dâng lên siết chặt lồng ngực ông”. Để đủ can đảm đánh đổi mạng sống của mình, người ta thực sự cầm một lý do cho dù nó dớ dẩn.

Trường đoạn thứ hai tôi thích là lúc Aschenbach nằm mơ thấy cuộc giao hoan hoang dại và đầy sức sống của Dyonisos. Giấc mơ này mang tính ước lệ cao và nếu đối chiếu với lý thuyết phân tâm học của Freud thì khớp như đo ni đóng giày.

Trong phim, tôi ấn tượng với vẻ đẹp của Tadzio nhưng khi đọc truyện thì không, dù truyện tả cậu đẹp hơn nhiều so với màn bạc. Có lẽ lvì tôi nghĩ không phải Tadzio thì sẽ là người khác, chỉ cần đẹp, chỉ cần một cái cớ. Toàn bộ câu chuyện là bi kịch, là nỗi tuyệt vọng sâu xa với cái đẹp. Điều này được thể hiện rõ qua hành động cố gắng tân trang cho mình hồi xuân của Aschenbach khi ông cảm thấy mình già nua và xấu xí trước người tình trẻ đẹp.

Nếu cho tôi dùng thêm một từ nữa để nói về Chết ở Venice thì đó sẽ là “cô đơn”. Sự cô đơn của Aschenbach khiến thế giới xung quanh trở nên yên lặng, dường như không có một ai. Aschenbach luôn lọt giữa những hình ảnh lướt qua, những tiếng động khẽ. Và thật kỳ lạ, tôi chợt nhớ đến cảm giác khi đọc Tình yêu thời thổ tả – những đêm hè thinh vắng đến mức nghe được tiếng nở của một đoá hoa.

Chấm điểm: tôi không dám chấm điểm cho những tác phẩm cổ điển

One thought on “Chết ở Venice”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *