Gặp Lại Chốn Hồng Trần Sâu Nhất

 

Tác giả: Bạch Lạc Mai

Phát hành: Cẩm Phong

Cuộc đời kỳ lạ và sóng gió của Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 6 – Thương Ương Gia Thố dưới góc nhìn nên thơ.

Trước kia, tôi không hề để ý đến vị Đạt Lai Lạt Ma này. Với tôi, người nổi tiếng nhất là vị số 14, người đang lưu vong và đấu tranh cho quyền tự trị của Tây Tạng. Tôi không ngờ giữa chốn hồng trần lại có một vị Đạt Lai Lạt Ma, mà cũng không ngờ giữa khói nhang thiền định lại có một nhà thơ vĩ đại.

Nàng gặp, hay không gặp ta
Ta vẫn ở đây, không mừng, không luỵ
Nàng nhớ, hay không nhớ ta
Yêu vẫn ở đây, không thêm, không bớt
Nàng theo, hay không theo ta
Tay ta vẫn nơi nàng, không lơi, không siết

Làm sao có thể tưởng tượng  những vần thơ kia lại do một người tu hành viết ra? Không phải vì nó báng bổ mà vì nó quá diễm tình.

Một đêm ấy, ta nghe trọn một đêm Phạn ca, chẳng vì lĩnh hội, chỉ để tìm một chút hơi thở của người.

Một tháng ấy, ta xoay qua tất cả luân kinh, chẳng vì siêu độ, chỉ để chạm đến dấy tay của người.

Một năm ấy, ta dập đầu nhận lấy bụi trần ai, chẳng vì hướng Phật, chỉ để kề cận hơi ấm của người.

Một đời ấy, ta leo qua cả Thập Vạn Đại Sơn, chẳng vì tu lai sinh, chỉ để giúp người an bình hạnh phúc.

Một đêm, một tháng, một năm, một đời ấy.

Tôi đã yêu thơ Thương Ương Gia Thố mất rồi.

Thực ra, tôi không thích Bạch Lạc Mai trong cuốn này. Cô đã vẽ nên một Tsangyang Gyatso quá lụy tình. Tôi hiểu tác giả đang muốn tiếp cận vị Phật sống này trên phương diện tình cảm nhân loại nhưng tôi nghĩ rằng, nếu là một người khác, một cách viết khác, có lẽ tôi đã được thấy một Đạt Lai Lạt Ma trải bao biến cố, vương vấn hồng trần, mạnh mẽ mà lãng mạn. Đấy là nghĩ thế thôi chứ chắc gì đã có ai viết được như thế, nếu diễn tả sự oai hùng thì dễ mất đi vẻ dịu dàng, lơ đãng; ngược lại, nếu làm nổi bật được tính lãng tử thì lại dễ xóa nhòa đi sự dứt khoát, cơ trí. Được cái này thì mất cái kia. “Thế gian sao có hai đường vẹn” chứ?

Vì tài liệu về Thương Ương Gia Thố quá ít nên đây vẫn là một cuốn sách đáng đọc. Bạn có thể xem thêm các bài thơ của Ngài tại đây.

Còn về Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, tôi sẽ đề cập đến trong một tác phẩm khác.

8 thoughts on “Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất”
  1. Của Bạch Lạc Mai em mới đọc “Duyên”, nhưng thật sự là tác giả này viết rất tình, rất triết lý, ý là những ý đơn giản mà cô ấy lại viết thành cực triết lý, wah OvO
    Klq lắm nhưng Y đang dùng theme gì thế ợ? Nhìn bao đẹp luôn :”>

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *