Tác giả: Keigo Higashino
Reviewer: Điền Yên

Lời giới thiệu “Ác ý là một tác phẩm đỉnh cao của Keigo Higashino” không phải nói ngoa. Sau những thất vọng “Trước khi nhắm mắt”, “Trứng chim cúc cu này thuộc về ai”, xa hơn nữa là “Hoa mộng ảo”, “Ảo dạ”, thậm chí cả “Ma nữ Laplace” thì “Ác ý” đã hoàn toàn khôi phục niềm tin của tôi vào Keigo. Không thể hiểu nổi tại sao cùng một tác giả mà có cuốn hay cuốn dở tệ như vậy.

Thủ phạm của Ác ý, đoán được vô cùng dễ dàng, gần như bày ra trước mắt người đọc. Nhưng động cơ giết người mới là chi tiết đưa cuốn sách này lên đỉnh cao. Ác ý làm tôi nhớ đến Phía sau nghi can X, khi thủ phạm cố tình bày ra cái bẫy cho cảnh sát theo cách mà chẳng thủ phạm bình thường nào làm. Sự tài tình của thủ phạm khiến tôi thực sự không đoán ra nguyên nhân kinh khủng đến mức nào mới khiến người ta không ngại hủy hoại tất cả để đạt mục đích. Keigo đã không khiến tôi thất vọng. Động cơ giết người khiến tôi chấn động. Hoàn toàn phù hợp với tên truyện. Tại sao trên đời lại tồn tại ác ý đến nhường đó? Tại sao trên thế gian có người tăm tối đến mức đó? Động cơ giết người của thủ phạm khiến tôi cảm thấy tuyệt vọng và bất lực. Mọi vấn đề trên đời đều có thể giải quyết nếu bạn biết nguyên nhân. Nhưng điều tồi tệ nhất là chẳng có nhân mà lại có quả. Bạn vĩnh viễn không thể ngăn chặn tội ác.

Khuôn khổ tác phẩm không dài nhưng nội dung truyền tải lại rất lớn. Các cú twist đủ gay cấn. Tác phẩm đồng thời đề cập đến đạo văn và bắt nạt học đường. Tôi bật cười khi đọc đến đoạn “kẻ đạo văn” tuyên bố mình không đạo mà chỉ vô tình bị ảnh hưởng từ tác phẩm gốc do đọc đi đọc lại nhiều lần, còn dẫn chứng các nhạc sĩ sáng tác cũng có những trường hợp như vậy. Ôi cái lý luận chó má mất dạy này sao nghe quen tai quá, gần đây nhất hình như tôi nghe được là từ vụ “nhà văn trỏe” K.H khi đạo truyện của NNT cũng nói thế ))
Bắt nạt học đường lại luôn là vấn nạn khiến tôi vừa đau lòng vừa sợ hãi vừa bất lực. Keigo viết: “bắt nạt không bao giờ kết thúc. Một khi đương sự còn ở trường đó thì nó còn tiếp diễn”, việc bắt nạt chỉ đổi từ hình thức này sang hình thức khác. Bắt nạt học đường trong Ác ý tuy không mô tả nhiều nhưng đa diện và sinh động. Từ nguyên nhân bắt nạt, hành vi bắt nạt đến phản ứng của học sinh, giáo viên với việc bắt nạt.

So với Nghi can X thì cuốn này đúng là một chín một mười.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *