CÁI GIÁ ĐỂ HỒI SINH

Tác giả: Dạ Đích
Phát hành: Owlsbooks
Reviewer: Điền Yên

Có những truyện lúc đọc cười ha ha vui vẻ hoặc gật gù thích thú nhưng sau khi khép sách lại một thời gian sẽ chẳng nhớ gì. Thậm chí có nhiều cuốn tôi còn không nhớ mình đã từng đọc qua. Những truyện khiến tôi nhớ lâu không hẳn là xuất sắc hay kinh tâm động phách mà là những truyện để lại dư âm. Tỉ dụ như Trọng sinh chi đại giới được Cú xuất bản dưới cái tên Cái giá để hồi sinh.

Mở đầu truyện là một khung cảnh bi thương. Tô Nham vừa tốt nghiệp đại học bị giết tàn nhẫn trong một khu công trường bỏ hoang. Chết trong đau đớn và cô độc, không ai đến nhặt xác. Oán niệm và khát khao sinh tồn khiến cậu được sống lại vào năm 15 tuổi – cái năm đầy biến cố, tạo ra bước ngoặt đời cậu. Năm ấy, cha mẹ Tô Nham ly hôn, cha lấy vợ mới mẹ theo nhân tình. Mỗi người quẳng lại cho Tô Nham một số tiền rồi đi không quảnh lại. Cũng năm ấy, Tô Nham gặp Lương Khuê – tình yêu đầu đời đẹp đẽ của cậu.
Thế nhưng, giống như hiệu ứng bươm bướm, Tô Nham trọng sinh khiến nhiều việc chệch khỏi quỹ đạo. Đầu tiên, đó là cậu có không gian. Không gian trong truyện này tuy rất quan trọng nhưng không quá bàn tay vàng. Sự xuất hiện tình tiết không gian chỉ chiếm phần nhỏ trong toàn bộ dung lượng truyện.

Tô Nham ôm trong lòng nỗi đau bị cha mẹ ruồng bỏ. Cậu muốn thét hỏi tại sao lúc tôi chết các người không đến nhận xác tôi, nhưng không thể. Cậu nuốt ngược câu hỏi đầy máu và nước mắt ấy vào lòng, cố sống thật tốt, giúp cô gái kiếp trước từng có ơn với cậu, tìm kiếm câu trả lời cho cái chết của mình. Tô Nham dần nhận ra sau khi cậu sống lại, có những chuyện thay đổi, cũng có những chuyện vẫn như cũ xảy ra. Ví dụ như chuyện cậu và Lương Khuê yêu nhau. Ở kiếp trước, Lương Khuê dưới sức ép của gia đình, đã lựa chọn rời xa cậu. Ở kiếp này, có nhiều việc xảy ra khiến tình cảm hai người khăng khít hơn, Lương Khuê trưởng thành hơn, bản thân Tô Nham cũng có sức mạnh hơn nên đã cùng nắm tay nhau vượt qua khó khăn.

Truyện viết rất sâu về thời học sinh. Nếu bạn đã từng đi qua thời niên thiếu tươi đẹp ấy hẳn sẽ mỉm cười khi đọc Cái giá để hồi sinh. Tuy nhiên, do tác giả viết rất kỹ nên có thể bạn sẽ thấy buồn ngủ, chậm nhiệt. Cá nhân tôi vô cùng thích mấy đoạn này. Nó làm tôi nhớ thời đi học. Trong lớp sẽ luôn có đứa xinh đẹp học giỏi, có đứa nghịch ngợm, có đứa u ám, có đứa xấu xa. Tôi đã từng nghĩ các bạn mình làm sao xấu được, dù gì cũng cùng học với nhau 3 năm trời, ít ra cũng nể mối duyên trời ấy mà sống với nhau tử tế. Về cơ bản và đa số là vậy nhưng vẫn luôn có những thành phần biến dị mà chỉ khi chứng kiến rồi mới buồn bã nhận ra lớp học cũng là một xã hội thu nhỏ, trong đó tồn tại người tốt lẫn kẻ xấu.

Dạ Đích viết bộ này khá tròn vẹn, nhiều nhân vật mà đều dành đất cho họ. Trần Yến là một nữ phụ đam mỹ. Không phải như bạn đang nghĩ đâu. Cô ấy là nữ và là nhân vật phụ thôi. Nhà nghèo, cô thu mình trong vỏ ốc nên càng bị ghét bỏ, cô lập. Nhưng cô luôn giữ được trái tim trong sáng như pha lê. Kiếp trước Tô Nham bị hại, Trần Yến chẳng nghĩ nhiều, đứng về phía Tô Nham. Cho dù chuyện cuối cùng vẫn thất bại nhưng trong cõi đời đau khổ của Tô Nham, quen biết Trần Yến là may mắn của cậu. Vì thế, kiếp này, cậu đối xử với cô tốt vô cùng.

Nhân vật phản diện Thẩm Thành, Trần Oản Oản đúng là khiến người ta ghét từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Ấy thế nhưng cũng lại có chút xót xa. Thẩm Thành nuôi ảo tưởng về một cô gái thánh thiện kiêu hãnh, muốn cô giống trong tưởng tượng của mình nhưng Trần Oản Oản không phải búp bê cho hắn nhào nặn. Cô ta xấu xa, ích kỷ, độc ác nhưng cũng giãy giụa trong bi kịch của đời mình.

Tôi thích tình tiết công không trọng sinh nhưng lại mơ thấy những sự kiện diễn ra trong “kiếp trước”. Tình tiết này cũng xuất hiện trong Trọng sinh chi bản tính. Công hoàn toàn không biết thụ sống lại nhưng trong một (vài) giấc mộng, công thấy mình trong kiếp trước, sống động như thật, ngay cả nỗi đau trong mơ cũng thật đến tê tái. Những giấc mơ này kéo công lại gần thụ hơn. Nếu không có những giấc mơ ấy, tôi sẽ cảm thấy công không thực sự hiểu về thụ. Thụ không phải chỉ là thụ của kiếp này, mà còn bao gồm cả những hồi ức kiếp trước. Nếu công không chạm chút nào vào kiếp trước của thụ thì hình như người công yêu chỉ là một hình bóng của thụ mà thôi.

Nếu nói về day dứt thì chính là do nhân vật Tần Việt tạo nên. Chính xác hơn là cách tác giả xử lý câu chuyện của Tần Việt. Cậu ấm được cưng chiều cứ tưởng comeout đơn giản. Nào ngờ bố mẹ phát hiện cậu đồng tính thì trở mặt. Mẹ khóc lóc chửi bới nguyền rủa, bố thì sinh ngay thêm một đứa con khác bên ngoài. Mắc kẹt giữa tình và hiếu, do bản tính yếu đuối, Tần Việt tự sát. Đó là kiếp trước. Kiếp này Tô Nham kịp chạy đến ngăn cản cậu nhưng nỗi bi thương trong lòng quá lớn, trí não Tần Việt không chịu nổi gánh nặng ấy nên cậu rơi vào giấc ngủ dài như sleeping beauty. Tần Việt không tỉnh dậy lại khiến nhiều người tỉnh ngộ. Họ biết trân trọng nhau hơn, biết đâu mới là giá trị cần nắm giữ. Đây cũng là ý nghĩa của bộ truyện: có nhiều thứ phải trả giá đại giới mới có được.

Truyện tưởng là điềm văn ai dè cũng có nhiều trường đoạn gay cấn. Bắt cóc tra tấn đánh đập giết người đều có cả. Không biết truyện xuất bản có bị cắt khúc nào không. Truyện trải dài từ năm nhân vật chính 15 tuổi đến năm 27 tuổi, chứng kiến những cô bé cậu bé hồn nhiên lớn lên, va chạm với những mảnh sắc cuộc đời, trở nên cứng cỏi gai góc hơn, ánh mắt dần u ám đi, tôi chỉ biết mỉm cười thở dài. Cuộc đời này vốn phải trả đại giới.

Chấm điểm: 8.25/10

#review_dammy #dienyen

One thought on “Review Cái giá để hồi sinh”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *