MA NỮ CỦA LAPLACE

Tác giả: Keigo Higashino
Phát hành: Nhã Nam
Reviewer: Điền Yên

Tôi khá phân vân trước khi đọc Ma nữ của Laplace vì cái đoạn giới thiệu ở bìa 4 sách. Cái gì mà cô gái biến mất, vòi rồng rồi thì tương lai nhân loại. Tôi đã tưởng tượng bối cảnh người ngoài hành tinh xâm chiếm trái đất không thì cũng là AI gì gì đó. Lẽ nào Keigo đã bay sang cả thể loại viễn tưởng? Đắn đo một hồi rồi tôi cũng quyết định đọc Ma nữ trước Trứng chim vì dàn trang nó đẹp hơn.

Vẫn như đa số tác phẩm khác, mở đầu truyện là màn giới thiệu một loạt nhân vật và một loạt câu chuyện tưởng như chẳng liên quan gì đến nhau: một đạo diễn nổi tiếng đi nghỉ suối nước nóng cùng cô vợ trẻ đẹp bị chết vì nhiễm độc H2S, mặc dù cái chết hoàn toàn là do hiện tượng tự nhiên nhưng vẫn có quá nhiều điểm kỳ lạ nên theo thông lệ là sẽ có người nghi ngờ và kiên trì điều tra; một diễn viên vô danh cũng chết theo cách thức tương tự; một cô bé có mẹ bị chết vì vòi rồng; một cảnh vệ phải về vườn vì tăng axit uric máu bất ngờ nhận lời mời làm vệ sĩ cho một thiếu nữ… Các câu chuyện rời rạc dần được chắp nối vào nhau thành một bức tranh toàn cảnh thông qua điều tra của cảnh sát Nakaoka và giáo sư Aoe.

Rất nhiều người nói “nếu biết trước thế này thì tôi đã…” nhưng dự đoán được tương lai có phải điều may mắn không? “Con người mang trong mình ước mơ vì chưa biết tương lai sẽ ra sao”. Nếu không có ước mơ, chúng ta sống như chỉ chờ để chết. Thế nên nếu cho lựa chọn biết trước tương lai hoặc không, tôi sẽ chọn vế sau. Dù sao, hiện tại cũng là một món quà và vị lai là một điều bí mật.

Quay trở lại với Ma nữ của Laplace. Cội nguồn của tội ác trong tác phẩm đề cập tới một vấn đề gây tranh cãi: tội phạm có phải là bẩm sinh hay không, đặc biệt là những kẻ thái nhân cách. Có những giả thuyết cho rằng có những kẻ sinh ra đã có gen phạm tội, cấu tạo não của họ không có sự xót thương, đồng cảm nên giết chóc và hành hạ người khác với họ chẳng khác gì những việc làm bình thường như nấu ăn, xem phim. Sinh ra đã như vậy không phải lỗi của họ, vậy nếu họ phạm tội thì có bị trừng phạt không? Nếu phạm tội do bẩm sinh khuyết tật về não cũng trừng phạt thì những người đồng tính có bị trừng phạt vì “tội đồng tính” hay không, khi mà WHO đã coi đồng tính không phải bệnh mà là tự nhiên? Câu trả lời, dĩ nhiên không được tác giả đưa ra. Keigo luôn vô cùng khôn khéo trong việc đưa vấn đề cho độc giả còn mình chẳng bày tỏ gì. Kẻ thủ ác trong truyện người thì bị trừng phạt, người thì bỏ đi, một số người liên đới dù làm việc ác cũng vẫn sống nhơn nhơn. Cuộc sống luôn không công bằng và truyện của Keigo không cố gắng thay đổi điều ấy. Hầu hết bi kịch của loài người xuất phát từ lòng tham lam, sự ích kỷ, thói đố kị.
Bài học rút ra từ truyện này là nếu bạn muốn giết người mà không để lại bất kỳ dấu vết nào thì cách tốt nhất là lợi dụng thiên tai để người đó chết vì thiên tai, để làm được việc này thì hoặc bạn hên hoặc bạn có một trí tuệ siêu phàm, có thể căn cứ vào các dữ liệu trong quá khứ mà dự đoán tương lai.

Truyện rất cuốn hút, tình tiết lồng ghép luôn là thế mạnh vô địch của Keigo. Nhưng trong Ma nữ của Laplacd, tôi vẫn thấy thiêu thiếu điều gì đó khiến tôi không thể chấm cuốn này xuất sắc.

Chấm điểm: 8-/10

#review #trinhtham #dienyen #Keigo

 

 

 

One thought on “Review Ma nữ của Laplace”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *