Tác giả: Sở Tích Đao
Người dịch: Trần Hữu Nùng
Phát hành: IPM
Reviewer: Điền Yên

Tôi luôn thích format truyện kiểu này: nhân vật chính không phải là nhân vật chính của từng câu chuyện mà chỉ là người dẫn dắt, xuyên suốt, giống như Bách Loa trong Bách Loa hệ liệt của Thương Nguyệt, như Mạn Sênh trong Nam Yên trai, như Bá tước D. Họ luôn mang một vẻ thần bí và thấu suốt nhân tình thế thái, hiểu rõ tình người ấm lạnh, trái tim ấm áp nhưng hành động nhiều lúc lại vô cùng lạnh lùng. Nhân vật này sẽ xuyên qua từng câu chuyện, vẽ lên vô vàn góc cạnh của trần gian.

Tử Nhan là bậc thầy dịch dung, có thể tạo nên mọi khuôn mặt trên đời nhưng lại không có khuôn mặt của chính mình. Chàng xuất hiện với vẻ đẹp điên đảo chúng sinh, khiến nam nhân tiếc hận chàng không là nữ còn nữ nhân thấy mừng chàng vẫn là nam; mỗi cử chỉ, lời nói, ánh mắt, nụ cười đều khuynh quốc khuynh thành, làm người ta nhìn không dứt ra được, làm đối thủ cũng ngẩn ngơ. Và dù vài ngày lại đổi diện mạo một lần, khí chất quyến rũ ấy vẫn không thay đổi, miễn là chàng muốn thể hiện ra. Những người xung quanh Tử Nhan cũng đầy bí hiểm: một cựu giang hồ từng làm mưa làm gió, người người kính sợ vì nắm trong tay mạng lưới tình báo phủ khắp thiên hạ; một thiếu niên dung nhan bị hủy, thân thế bất phàm; một đại mỹ nhân võ công cao cường; một cô hàng xóm chuyên điều chế hương kỳ lạ…

Từng người khách của Tử Nhan lại mang đến một câu chuyện đời làm lý do muốn thay đổi dung mạo:
Lam Ngọc thân mang tuyệt kỹ, muốn thể hiện tài năng, tung hoành ngang dọc, không muốn chôn lùi bản thân nơi sơn thôn bé nhỏ. Nàng đổi vẻ ngây thơ thánh khiết thành khuôn mặt khuynh thành. Đổi tên thành Cẩm Sắt, trở thành đệ nhất danh kỹ, nàng có cái nàng tưởng mình muốn, nhưng vẫn không hạnh phúc. Tình yêu tay ba với Minh Nguyệt và Thương Hải kết thúc trong cái chết của Minh Nguyệt và sự mất tính của Thương Hải, còn Cẩm Sắt lại trở về sơn thôn, quay lại làm Lam Ngọc. Tôi đặc biệt viết tên nhân vật của tiểu đoạn này ra đây bởi tên của họ đều lấy trong bài thơ tôi yêu thích – Cẩm Sắt của Lý Thương Ẩn:
“Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ
Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên”
Chẳng phải Lam Ngọc là một phần tên của tôi – Lam Ngọc Điền Yên – này sao?!

Tài năng của Tử Nhan cuốn chàng vào cuộc chiến bất tận của cung đình và giang hồ. Dù bất kể ở hoàn cảnh nào, chàng cũng ung dung, tự tại. Tử Nhan không né tránh, thậm chí còn muốn thâm nhập thật sâu, để tìm ra bí mật thân thế của Trường Sinh, và quan trọng nhất là tìm được phương thuốc chữa cho bản thân và Trường Sinh.

Tôi vô cùng thích Tử Nhan bởi tôi là phường nhan khống. Ở Tử phủ, người ta có thể sinh, bệnh, tử chứ không lão. Không cần trường thọ, chỉ cần cái đẹp. Ước mơ tối thượng của phụ nữ cũng chỉ thế mà thôi.

Nhưng nói đến đặc sắc thì phải kể tới phần ngoại truyện.

Chiếu Lãng là ai? Kình địch của Tử Nhan, võ công cái thế, thuật dịch dung cao cường, đã thế còn điên. Trên đời không sợ thằng giỏi, chỉ sợ thằng điên. Chiếu Lãng vs Tử Nhan là chuẩn cường công mỹ dụ thụ =))) Nhưng hắn chắc chắn không phải họ Chiếu. Sau một hồi điều tra, cả lũ tá hỏa khi phát hiện hình như hắn là Tân Lãng (Sina =))) Ai chơi weibo hẳn phải biết Sina là gì)

Tử Nhan danh tiếng lẫy lừng. Một ngày nọ, có một nam nhân mặt hoa da phấn đến đòi chuyển giới =)))) Ngoài việc có thể sinh con ra thì hắn hoàn toàn biến thành nữ. Tử Nhan còn dạy hắn kỹ thuật thêu thần sầu của mình và hắn cũng tỏ ra là một học trò xuất sắc. Sau này, hắn xuất sư, nổi tiếng khắp giang hồ với tài dùng kim thêu tuyệt luân. Đã đoán ra là ai chưa? =)))))

Tử phủ cũng tiếp đón những danh bài dịch dung: một người thường được gọi là A Châu tỷ tỷ, một người không ai đoán nổi tuổi nàng, thường luyện võ công Sinh tử phù; lại có một người băng thanh ngọc khiết trẻ mãi không già với bí kíp truyền môn là ăn mật ong =)))) Những người này đều viết vài lời quảng cáo (dùng đúng từ của tác giả) cho Tử phủ kinh doanh phát đạt.

Văn phong tác giả hấp dẫn, truyện bi mà cũng hài. Vì có bối cảnh cổ nên tác giả sử dụng ngôn từ hoa mỹ, trích dẫn văn thơ cổ nhiều. Mỹ nam trong truyện bắn hint pằng chíu, đủ cho hủ nữ ngồi soi. Dịch giả thì quá nổi tiếng rồi, không cần quảng cáo thêm.

Sách in khổ lớn, bìa đẹp, giấy đẹp, có postcard hình cái quạt đầy chất cổ phong.

Chấm điểm: 8/10

One thought on “Review Mị sinh chi yêu nhan”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *