Tác giả: Lôi Mễ

Phát hành: Cổ Nguyệt

Reviewer: Điền Yên

Năm 1990, thành phố xảy ra liên tiếp 4 vụ cưỡng dâm giết người chặt xác. Thủ pháp của sát nhân cực kỳ kín kẽ, không để lại bất kỳ dấu vết gì, trình độ chặt xác ngày càng điêu luyện. Ấy thế nhưng đến vụ thứ 4, hắn đột nhiên để lại dấu vân tay lù lù trên túi đựng xác. Vụ án được phá với bằng chứng duy nhất là dấu vân tay đó. Khẩu cung ư? Khỏi cần nhắc. Nếu bạn bị đánh đập bỏ đói không cho ngủ liên tục mấy ngày, bảo bạn khai bạn là Đỗ Thích cũng được ấy chứ.

Tổ chuyên án khi ấy có 3 người thực hiện chính: Mã Kiện, Lạc Thiếu Hoa và Đỗ Thành. Ngay tại phiên toà xét xử vụ án, Đỗ Thành đã kêu oan cho nghi phạm. Công bằng mà nói, với kinh nghiệm của tổ chuyên án, ai cũng nhận ra các bằng chứng chưa đủ để chứng tỏ Hứa Minh Lương là kẻ thủ ác. Tuy nhiên, dưới áp lực của cấp lãnh đạo buộc phải tìm ra ai đó chịu trách nhiệm, nhiều người lựa chọn cách dễ hơn: bỏ qua những lấn cấn về bằng chứng, dấu vân tay tại hiện trường là đủ để khép tội rồi. Tên giết người bị hành quyết, cả làng đều vui: cảnh sát được tưởng thưởng khen tặng, gia đình nạn nhân được an ủi bồi thường. Chỉ có gia đình “thủ phạm” rơi vào bi kịch: bán hết gia sản đi đền bù, không ngẩng nổi đầu lên nhìn đời. Nhưng thôi, ai bảo các người sinh ra một kẻ độc ác. Và có hai người nữa ôm day dứt trong lòng bởi ngay giây phút đầu tiên nhìn vào mắt Hứa Minh Lương, họ đã biết đây không thể là kẻ giết người. Đó là Đỗ Thành và Kỷ Càn Khôn – chồng của nạn nhân cuối cùng.

Thế nhưng, chỉ hơn nửa năm sau khi Hứa Minh Lương đã bị bắn chết, một vụ án y hệt lại diễn ra như thể muốn chứng minh ác quỷ vẫn còn ở chốn nhân gian. Nhưng sau đó, tên sát nhân hoàn toàn biến mất. Không dấu vết, không động cơ. Cảnh sát buộc phải treo vụ án ở đó. Mãi cho đến 22 năm sau.

(Đoạn tiếp theo có spoil)

Nếu bạn lỡ gây ra một sai lầm khủng khiếp, có thể hủy hoại toàn bộ những gì bạn đã làm từ trước tới nay, ảnh hưởng đến rất rất nhiều người, bạn sẽ làm thế nào? Cố gắng sửa chữa sai lầm hay cố gắng che đậy ngay cả việc che đậy đó là một sai lầm khác?

Lạc Thiếu Hoa đã chọn cách thứ 2. Ông tìm ra thủ phạm thực sự một cách vô cùng bất ngờ. Lâm Quốc Đống bề ngoài thư sinh nho nhã, không tiền án tiền sự, nghề nghiệp giáo viên, là gia sư của Hứa Minh Lương. Trong một lần đưa mẹ Hứa Minh Lương đến nhà Lâm Quốc Đống, lần đầu nhìn thấy hắn, Lạc Thiếu Hoa đã nhận ra đây mới là kẻ giết người. Ông tìm được đủ bằng chứng kết tội hắn nhưng không dám nói ra với bất kỳ ai. Vụ án giết người chặt xác gây tiếng vang quá lớn. Phá được án này giúp bao người có danh tiếng. Nếu lộ ra đây là vụ oan sai thì không  biết hậu quả sẽ thế nào. Vì thế, ông lựa chọn im lặng, đổi lại, Lâm Quốc Đống sẽ vào bệnh viện tâm thần. Nhưng đó là lựa chọn của ông, không phải của tất cả mọi người.

Cảnh sát già Đỗ Thành phát hiện mình ung thư giai đoạn cuối. Tâm nguyện cuối cùng của ông là đưa kẻ giết người thực sự của vụ án năm xưa ra trước vành móng ngựa, rửa oan cho Hứa Minh Lương. Ông lần theo dấu vết. Cùng lúc ấy, Kỷ Càn Khôn, sau 20 năm chôn chân trong viện dưỡng lão cũng tìm được 2 người giúp ông tiếp tục điều tra: Ngụy Quýnh và Nhạc Tiêu Tuệ.

Cô bé Tiêu Tuệ đóng vai trò cực kỳ quan trọng vì cô đã phát hiện ra điểm mấu chốt của vụ án: tên giết người chọn nạn nhân theo mùi nước hoa (Các bạn nữ đang dùng nước hoa thì dẹp luôn đi. Lỡ vô phúc đi đường gặp thằng sát nhân biến thái như Lâm Quốc Đống thì tàn đời). Chính nhờ điểm này mà nhóm Đỗ Thành, Kỷ Càn Khôn lần ra được Lâm Quốc Đống, đồng thời phát hiện ra sự việc Lạc Thiếu Hoa cố ý bỏ lọt tội phạm ngày trước. Đỗ Thành muốn bắt Lâm Quốc Đống quy án, Kỷ Càn Khôn chỉ muốn trả thù. Động cơ của hai người khác nhau nên cách thức tiến hành cũng khác nhau.

Kỷ Càn Khôn với Lâm Quốc Đống phải nói là trời sinh một đôi: vô cùng kín kẽ, thông minh, tàn nhẫn. Tại sao lại nói Kỷ Càn Khôn tàn nhẫn? Hẳn đến lúc này bạn cũng đã nhận ra: vụ án năm 1992 do Kỷ Càn Khôn thực hiện. Vợ yêu bị giết chết phanh thây, biết rõ người bị hành quyết không phải thủ phạm nhưng lời kêu oan của ông không ai thèm nghe, ông buộc phải dùng cách của mình để thu hút sự chú ý của cảnh sát. Ông giết một phụ nữ vô tội bằng chính cách thức của Lâm Quốc Đống. Nếu trong “Tội lỗi không chứng cứ” tôi có vài phần thông cảm cho Lạc Vấn vì ít nhất Lạc Vấn chọn nạn nhân đều là kẻ vào tù ra tội, thì trong “Tâm nguyện cuối cùng”, tôi cảm thấy ghê tởm Kỷ Càn Khôn. Ông ta là ác quỷ chẳng khác gì Lâm Quốc Đống. Để đạt được mục đích của mình, ông ta sẵn sàng giết những người vô tội, cũng đồng nghĩa với việc ông ta hủy hoại cuộc sống của những gia đình vô tội. Nếu không vì bị tai nạn liệt hai chân thì số nạn nhân của ông ta đã không dừng ở con số 1. Là người đọc, tôi còn căm phẫn như vậy, nếu là người nhà nạn nhân, phải gánh chịu hậu quả của vụ giết người thì còn hận đến mức nào?! Nhưng thật đáng ngạc nhiên, cô gái nhỏ Nhạc Tiêu Tuệ mất mẹ từ năm 1 tuổi, lớn lên trong những cơn say xỉn của người cha đau khổ lại kiên cường và thánh thiện đến thế. Sớm hơn bất kỳ ai, cô đã phát hiện Kỷ Càn Khôn là người giết  mẹ mình. Cô hận, nhưng cô không muốn dùng luật rừng để xử tội ông ta. Cô tin vào pháp luật và sự công bằng. Cô chấp nhận nguy hiểm tính mạng để kêu gọi Kỷ Càn Khôn tự thú. Lòng can đảm và tâm hồn cao đẹp của cô khiến tôi tự hỏi: liệu người như thế này có tồn tại trên đời?

Kết truyện đẹp như mơ: vụ án 23 năm trước được lật lại, Hứa Minh Lương được tẩy oan, Lâm Quốc Đống phải trả giá; Kỷ Càn Khôn tự thú, để lại di chúc toàn bộ tài sản cho Nhạc Tiêu Tuệ; một loạt cảnh sát bị điều tra, truy tố, tước bằng khen. Tâm nguyện cuối cùng của Đỗ Thành được thực hiện. Nhưng ai trả lại được những tháng ngày tủi hổ khốn khổ mà gia đình Hứa Minh Lương phải chịu? Ai bù đắp được quãng đời niên thiếu vất vả bi thương của Nhạc Tiêu Tuệ? Ai xoa dịu vết thương không bao giờ lành của gia đình các nạn nhân? Ai cho Hứa Minh Lương sống lại?

Nói thật là tôi không ưng kiểu kết này lắm. Nó hơi kịch và nhạt, nhưng có vẻ như phù hợp với định hướng của nhà nước.

One thought on “Review Tâm nguyện cuối cùng”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *