Tác giả: Keigo Higashino
Reviewer: Điền Yên
——

Mặc dù đây là một tác phẩm của ông hoàng trinh thám Nhật Bản nhưng không phải là một truyện trinh thám. Có một vụ giết người nhưng thủ pháp, thủ phạm, động cơ đã lù lù ngay từ đầu truyện. Giống như nhiều tác phẩm mang tính xã hội khác của mình, Keigo đưa ra một vấn đề gây tranh cãi (controversial issue).

Tsuyoshi vốn là người hiền lành, chịu khó nhưng gánh nặng tài chính quá lớn thúc đẩy anh nảy sinh ý nghĩ ăn trộm nhà một bà già giàu có. Ăn trộm xong thì chuồn mẹ đi, đây còn lên cơn thần kinh ngồi xem phim. Với tôi, đây là chi tiết khá đắt giá, phủ nhận cái đức tính “chân chất thiện lương” mà người ta dễ nghĩ về Tsuyoshi. Một người thực sự lương thiện sẽ không đi ăn trộm, dù thế nào chăng nữa. Nếu có ăn trộm, họ sẽ cảm thấy xấu hổ nhục nhã ê chề, cắn rứt lương tâm và chỉ muốn chấm dứt cái hành vi trộm cắp càng sớm càng tốt. Việc Tsuyoshi muốn hưởng thụ sự sung sướng anh chưa từng thưởng thức qua, đó là xem cái TV to đùng khiến tôi nghĩ rằng, nếu không bị tóm lần này, anh ta chắc hẳn sẽ tái phạm nhiều lần nữa, bằng đủ loại lý do anh ta nghĩ ra biện minh cho bản thân.

Naoki, em trai của Tsuyoshi, đúng là đen. Do có anh trai vào tù vì cướp của giết người mà dường như cậu cũng bị tuyệt đường sống. Xin việc khó khăn vì chả ai muốn tuyển người có lý lịch như vậy. Giấc mơ âm nhạc tan vỡ. Ban nhạc không dám có một thành viên như vậy. Người yêu thì chia tay (thực ra sớm muộn cũng chia tay thôi vì 2 nhân vật này không thuộc về nhau). Tệ hại nhất, đó là bản thân Naoki cũng thay đổi. Với 5000 yên, cậu ta có thể thản nhiên nghiền thuốc thả vào ly rượu của một cô gái luôn đối xử với cậu tử tế. Cậu ta có thể lập mưu với người yêu để ép cô vào kế hoạch của mình (may kế hoạch đổ bể). Đi đến đâu cũng cảm thấy mình bị kỳ thị. Vấn đề mà Keigo đặt ra rất mới lạ với tôi. Thực sự tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc kỳ thị người thân của phạm nhân là một việc làm kinh thiên địa nghĩa, như một phần của hình phạt mà họ phải gánh chịu, nhưng quả thực, tôi thấy cũng có lý. X giết Y, con cái gia đình X bị cô lập, ghét bỏ. Ôi, họ có lỗi gì đâu mà bị đối xử như vậy. Ơ, thế con cái gia đình của Y có lỗi gì mà giờ phải chịu nỗi đau mất người thân. Nếu Y là trụ cột gia đình thì có khi con Y còn phải bỏ học, vợ Y phải lao lực cáng đáng cả gia đình. Thế nên con X bị ghét là điều rất dễ hiểu. Và như Keigo viết, X cần phải nghĩ đến điều đó trước khi phạm tội. Việc gia đình của thủ phạm bị ảnh hưởng bởi vụ án cũng là 1 hình thức răn đe.

Thế nếu xui xẻo, bạn vô tình sinh vào gia đình thủ phạm thì phải sống sao? Keigo không đưa ra lời khuyên, mà hoàn toàn là sự lựa chọn của mỗi người. Naoki đã chịu đựng anh trai mình nhiều năm (tôi phải công nhận thằng anh này EQ thấp. Chả hề nghĩ gì đến cảm nhận của người nhận thư. Anh thích thì anh cứ viết thôi). Sau rốt, Naoki cắt đứt quan hệ, làm lại cuộc đời không hề dính gì đến anh trai và thấy đời tươi sáng hẳn. Tuy nhiên, tôi tin rằng nếu không có những năm tháng quằn quại khổ sở kia thì Naoki cũng không là Naoki của ngày nay.

Độ yêu thích: 8.5/10

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *