Tác giả: Phàn Lạc

Phát hành: Amak

Tập 1:

Sau Thiên sư chấp vị, tôi đã định cạch mặt Phàn Lạc, nhưng nhìn đến người dịch Vương bất kiến vương là Oải hương tím thì tôi thấy lòng được an ủi, vì thế quyết định nhảy hố. (Kính gửi các công ty phát hành đam, xin quý vị hãy để Oải hương tím là một trong những lựa chọn hàng đầu khi mời dịch một bộ đam mỹ. Chỉ riêng cái tên của người này thôi đã đủ câu khách rồi.) Ơn trời, cho đến thời điểm này tôi chưa thấy hối hận tí nào.

Không biết có phải nhờ người dịch không mà tôi thấy Vương bất kiến vương hay hơn hẳn Thiên sư chấp vị. Đùa thế chứ ngoài chất lượng dịch ngon lành thì truyện cũng hay hơn. Việc xây dựng nhân vật không bị cường điệu quá lố như Thiên sư, tính hài hước cũng thú vị hơn, cả về tình tiết (công tác giả) lẫn lời lẽ (quá nửa là công dịch giả).

Tập 1 là màn giới thiệu các nhân vật chủ chốt của tác phẩm nên phần truyện chính hơi sơ sài. Viên Nguyệt Quan Âm là tên viên ngọc gia truyền của nhà họ Trần, bỗng nhiên bị thông báo là mất tích. Thiên kim tiểu thư họ Trần thì bị phát hiện bên cạnh cái xác một người đàn ông, tay nàng vẫn cầm hung khí. Nhiệm vụ của 2 bạn trẻ là tìm viên ngọc, giải oan tình. Cũng không lắt léo gì nhưng plot twist đầy đủ. Tính cách nhân vật dần thể hiện thông qua diễn biến. Thẩm Ngọc Thư tên thì rõ ẻo lả nhưng tính tình rất được, trong mắt chỉ có phá án chứ không có mỹ nhân. Tô Duy vẫn hơi cường điệu một chút nhưng không quá đáng. Có thể chấp nhận được. Hint bắn tứ tung. Trai đẹp như mây.

Điểm cộng cho Amak, ngoài việc chọn dịch giả, là in đep. Giấy nhìn thích sờ sướng.

Điểm trừ là lỗi chính tả. Trang bên này vừa gọi Quảng Từ, sang trang sau đã thành Từ Quảng. Một số chỗ in bị mờ. Khổ sách không đồng đều giữa các tập.

Tâp 2 này có sự xuất hiện của một anh rất quyến rũ. Đầu tiên, anh lên sàn với vẻ “tuấn tú mang nét lạnh lùng, thoạt nhìn y hệt như một công tử nho nhã hào hoa” khiến Tô Duy phải cảm thán “không hổ là bến Thượng Hải, khắp nơi dều có đại soái ca”. Đã thế còn mang cái họ đầy chất ngôn tình đến nỗi Tô Duy lần nữa há miệng kinh hô “mặt mũi như vậy rồi còn họ Đoan Mộc, đúng là ngầu lòi”.
Mà thực sự anh ngầu thật. Thân là con trai của Viện phán Viện Thái y, gia cảnh vô cùng cường thế lại giàu có nhưng anh rảnh háng đến độ sau khi giải ngũ thì đi làm đạo tặc, cạnh tranh chức hiệp đạo cùng Tô Thập Lục, tiêu tiền như rác. Sau một bữa đột nhập trái phép, xe của anh cho Thẩm Ngọc Thư mượn bị bắn tơi tả, đối với sự áy náy của Thẩm Ngọc Thư, Đoan Mộc Hành chỉ xua tay: “mai đổi cho cậu xe khác”. Thật đúng là loại tri kỷ mà ai cũng muốn có trong dời.
Anh bắn súng leo tường thần sầu. Nhất là bắn hint với Lạc Tiêu Dao thì thật khiến hủ nữ sôi máu muốn viết fanfic. Đoan Mộc Hành là chuẩn phúc hắc công tôi thích 🙂))

Cũng trong tập này, mối quan hệ giữa hai nhân vật chính cũng nâng lên một tầm cao mới, từ ngứa mắt nhau chuyển sang thông hiểu, phối hợp ăn ý, đồng bộ, người này thậm chí có thể nói được nguyên văn suy nghĩ thầm kín khó nói trong đầu người kia. Đây cũng là một tình tiết gây hài của truyện. Không rõ người khác thấy thế nào chứ style của Phàn Lạc trong Vương bất kiến vương khá hợp với tôi.

Vụ án của tập hai cũng khá thú vị. Hai tên quân phiệt bị giết (ai ngờ thủ phạm lại là một đại mỹ nhân. Cho chết cái tội coi thường phụ nữ), án lồng trong án. Nhìn chung, trinh thám trong tập này xoàng xoàng, không tệ lậu không xuất sắc. Có một bug hơi lớn đó là ban đầu nói là vết thương gây ra cái chết là một vật nhọn đâm vào, sau đó mới là vết đạn bắn cùng vị trí để che giấu dấu vết đâm. Nhưng cuối truyện lại lý giải tình huống giết người là do cô gái bị ép phải động thủ trước mà rút súng ra. Vậy thì phải là vết đạn bắn chứ sức mấy đâm nổi 1 anh võ biền cao to đang đầy phòng vệ. Bỏ qua cái bug đó thì ổn. Vốn chưa bao giờ hy vọng nhiều vào dòng tác phẩm lai tạp trinh thám + thể loại khác nên tôi không hề thất vọng.

Tập 3, Phàn Lạc duy trì tốt phong độ của tập 2, tức là không tệ hơn cũng không tiến bộ. Nhưng tôi thấy thế đủ tốt rồi. Rất nhiều tác giả viết càng dài càng xuống tay.

Vụ án lần này đưa 2 nhân vật chính tới gần sự kiện Tôn Điện Anh phá Thanh Đông Lăng năm 1928. Cốt lõi của vụ án chưa được đề cập cụ thể nhưng đã được nói sơ sơ thông qua quan điểm của Tô Duy: nhà Thanh sụp đổ, một số người muốn phục quốc. Mà muốn phục quốc thì phải có tiền. Thanh Đông Lăng – nơi chôn cất của 161 thành viên hoàng tộc, được tương truyền là chứa vô số vàng bạc châu báu. Đây là cái đích nhắm đến của rất nhiều người. Thời điểm được đề cập trong truyện là năm 1927, 1 năm trước vụ Tôn Điện Anh. Chỉ duy nhất Tô Duy biết tương lai nhưng không dám nói, sợ làm thay đổi lịch sử.

Vụ án của tập 3 không phức tạp nhưng lằng nhằng, lôi vào một đống nhân vật qua đường của tập 1, 2. Đại khái là 1 phu nhân tằng tịu với người tình Pháp, bị bắn chết trong nhà riêng của anh này. Trong quá trình điều tra, Tô Duy và Thẩm Ngọc Thư bị theo dõi, đột nhập văn phòng, có điều chả “lan quyên” gì đến vụ mà họ được uỷ thác, mà chỉ khiến Thẩm Ngọc Thư nghi ngờ nửa tấm bản đồ kho báu chôm được trong tập 2.
Cuối tập 3, Tô Duy phát hiện Trường Sinh có lẽ cũng là dân xuyên không vì cậu bé biết bảm nhạc của thế kỷ 21.

Truyện này nếu không phải đam thì phải gọi là siêu cấp hint. Còn nếu là đam thì siêu cấp thanh thuỷ. Tôi phát hiện hoá ra đọc thanh thuỷ cũng rất hay ho. Nhìn các bạn ỡm ờ với nhau vừa ngộ vừa kik thik 🙂))

Nhân vật chói sáng nhất vẫn là Đoan Mộc Hành. Nếu anh này có bộ riêng thì nhất định là thể loại tôi mê nhất.

Tập 4 khá lằng nhằng với phần mở đầu làm tôi bước hụt. Tập 3 kết thúc với câu hỏi Tô Duy dành cho Trường Sinh: “em.. là ai?” Tập 4 chuyển cảnh luôn mấy tháng sau. Tự viết tiếp tập 3.5, có lẽ là: Trường Sinh nói nó không biết, không nhớ gì. Thẩm Ngọc Thư quay sang hỏi Tô Duy cậu là ai. Tô Duy né tránh cả hai. Rồi 3 người hiểu ý mà tự bỏ qua hết.

Mở đầu tập 4 khá gay cấn: Tô Duy thuê sát thủ giết Thẩm Ngọc Thư. Tưởng đóng giả thôi, ai dè thuê thật, ít nhất là đến cuối tập 4 là thế. Lý do là vì Thẩm Ngọc Thư làm nhân chứng kiêm “công tô viên” kiểm “kiểm sát viên” buộc tội Tô Duy giết người, nhân chứng vật chứng đủ hết. Tại sao Thẩm Ngọc Thư lại làm thế? Các thím đọc cẩu huyết nhiều hẳn có thể lờ mờ đoán ra. Cục diện quá hỗn loạn, em không thuộc về thế giới này nhưng nếu tôi yêu cầu em tránh xa vũng nước đục thì chắc chắn em không bằng lòng. Em sẽ không bỏ lại tôi một mình. Vì thế, để bảo vệ em, tôi đành đóng vai ác, để em quay lưng đi không trở lại, dù bị em hiểu lầm cũng chẳng sao, dù gì chúng ta cũng không gặp lại nhau nữa. Vĩnh biệt em.

Định Đông Lăng là một vụ quá lớn. Nó liên đới từ tập 2, tấm bản đồ Câu hồn ngọc chôm được, xuyên qua tâp 3 – Hổ phù lệnh người người thèm muốn, sang đến tập 4 này, vì muốn Phi tượng quá hà mà bao người vô tội liên luỵ. Đầu tiên là Trường Sinh suýt chết, sau là đến “lão vương gia”, tiếp là Trần Phong (dù hắn khốn nạn nhưng chưa đến mức phải chết). Thẩm Ngọc Thư liên tiếp phạm sai lầm do đánh giá thấp đối thủ. Khi anh nhận ra mình đang đối đầu với một thế lực vừa mạnh vừa giỏi thì không còn dám tự kiêu nữa. Tôi có chút hả hê vì từ đầu tới giờ, Thẩm Ngọc Thư như con cưng của trời, làm gì cũng đúng. Có lẽ đây là điểm tiến bộ của Phàn Lạc: nhân vật chính tuy được buff nhưng cũng có lúc bị đì, không như tác giả nào đó tâng nhân vật lên mây xanh =))))

Tập này lỗi biên tập khá nhiều nhưng chất lượng in ấn vẫn rất tốt.

Tập 5

Từ khi Tô Duy ra đi, không chỉ Thẩm Ngọc Thư mà Phàn Lạc cũng cảm thấy cậu rất quan trọng, đến nỗi Phàn Lạc không tiếc lời cà ngợi các đức tính của cậu mà nhiều cái tôi còn không hiểu nó được thể hiện lúc nào trong truyện.

Tập này giải quyết các vấn đề cơ bản của cả bộ: đưa Tô Duy về hiện thực, tìm được thân thế Trường Sinh, giải thích toàn bộ âm mưu với Định Đông Lăng và vai trò của Đoan Mộc Hành, thậm chí nhân vật qua đường Kim Lang cũng ưu ái có một cái kết. Nếu kể hết ra thì e làm các bạn hụt hẫng nên tôi chỉ nói sơ sơ thôi. Đại khái là âm mưu dương mưu chồng chất, ta lừa người người lừa ta, tất cả đám cùng kéo vào lăng. Một lũ hám tiền thì vục đầu vào châu báu, người duy nhất cần quyền lực – Đoan Mộc Hành – thì thất vọng toàn tập với đội ngũ ô hợp bẩn thỉu, kẻ muốn xoay chuyển càn khôn lại vô tình kích hoạt chiếc đồng hồ kỳ lạ đưa Tô Duy, Ngọc Thư, Trường Sinh + Củ Lạc, và Kim Lang về thời hiện đại.

Kim Lang từng có một đứa con trai tầm tuổi Trường Sinh bị giết hại nên vô cùng yêu thương thằng bé. Tuy tác giả không viết rõ nhưng hẳn hai người sẽ nương tựa vào nhau mà sống tiếp. Còn xa hơn liệu có nguỵ phụ tử văn không thì tôi không dám nghĩ.

Lạc Tiêu Dao đúng chuẩn tuần bổ, rất vô dụng, võ công làng nhàng, phản ứng chậm chạp, mấy lần vì thất kinh quá độ mà rước khó khăn thêm cho đồng đội. Tôi thấy cậu ta còn vô dụng hơn cả bé Trường Sinh. Tất nhiên nhân vật này là chính diện nên tác giả cũng cho cậu ta hoàn thành một vài việc vặt vãnh chứ không thì đúng là vứt đi. Ngoài làm đồ chơi cho Đoan Mộc Hành thì không được tác dụng gì nhiều.

Đoan Mộc Hành ôm mộng phục quốc, không muốn đất nước bị giày xéo dưới gót giày đế quốc, vừa thông minh vừa có dã tâm, đủ ác nhưng không hại người lành, tiếc là hùng tâm tráng chí của anh không đạt được. Coi như sinh bất phùng thời. Đây là nhân vật tôi thấy hay ho nhất bộ truyện, bị ghép với đồng đội heo Lạc Tiêu Dao đúng là bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu.

Thẩm Ngọc Thư, với trí tuệ và độ dày da mặt của anh, đến thời hiện đại hẳn không gặp khó khăn gì để hoà nhập. Rất có thể anh sẽ mở văn phòng thám tử cạnh tranh với Lâm Gia Mộc chuyên xử lý các vụ ngoại tình bắt gian 🙂))

Nhiều bạn thắc mắc đây là đam hay hint. Thực ra, tôi cũng không rõ dù đã xem hết. Nhưng tôi nghĩ nó là đam vì với cái tính cách này của Thẩm Ngọc Thư thì trừ khi có 1 cô gái y hệt Tô Duy xuất hiện chứ không chả cô nào chịu nổi anh mà anh cũng không ưng bụng ai. Mà đã thế thì xơi luôn Tô Duy đi cho tiện. Tô Duy quen cô độc, một mình Thẩm Ngọc Thư đã là tới hạn rồi, cũng không thêm ai vào lòng nữa. Cho dù hai người không nói chuyện yêu đương nhưng có những tình cảm còn gắn bó hơn cả tình yêu. Bạn có thể băn khoăn: xxx thì sao? Chả phải đàn ông suy nghĩ bằng nửa người dưới sao? Thượng sàng bất thuyết ái, cần gì yêu =)))

4 thoughts on “Review Vương bất kiến vương (Bản Xuất bản)”
  1. Phàn Lạc có viết phiên ngoại Thích duyên về cặp Đoan Mộc Hành – Lạc Tiêu Dao, bao gồm 10 chương, 4 phiên ngoại và 1 đặc điển. Thích duyên nói về cuộc sống của Cặp đôi Đoan Mộc – TIêu Dao sau khi quyển 5 của Vương bất kiến vương kết thúc, trong đó phiên ngoại 1 và 3 nói rõ hơn về mối quan hệ của Tô Duy và Thẩm Ngọc Thư.
    Cá nhân mình biết đến, ấn tượng và yêu thích truyện của Phàn Lạc từ Thiên sư chấp vị, có lẽ là guu và quan điểm của mỗi người thì mình thích Thiên sư hơn Vương bất kiến vương. Truyện của Phàn Lạc thì câu chữ khá dài dòng, lê thê, nhưng xây dựng cốt truyện, tình tiết và nhân vật tốt nên mình vẫn đánh giá cao.

  2. Ôi trời ơi, đọc bài review này tôi mới biết ss Oải Hương Tím đã trở thành dịch giả chuyên nghiệp.

    Trong giới fandom DBSK ngày xưa, ss ấy là một editor, author fanfic cực kỳ nổi tiếng!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *