thanh-gia-rong

Tác giả: Higashino Keigo

Phát hành: Skynovel

NXB Văn học

Thời gian: 10/2016

Tôi đã viết những dòng  này trước khi đọc Thánh giá rỗng.

“Tôi thuộc phe ủng hộ duy trì án tử. Lý do có thể bao gồm nhưng không hạn chế như sau:
1. Nợ máu phải trả bằng máu. Người gây tội phải trả giá. Đây là lý do cuối cùng và yếu nhất. Có thể bỏ qua.
2. Răn đe. Lý do này cũng không quá quan trọng bởi rất nhiều trường hợp, do thiếu hiểu biết, thủ phạm tương lai không hề biết làm vậy sẽ chết. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng án tử hình không làm giảm tỷ lệ phạm tội.
3. Đây mới là nguyên nhân chủ yếu: loại bỏ mối nguy hại cho xã hội. Nhân đạo với người xấu là bất nhân với người tốt. Hãy nghĩ xem, 1 kẻ bại hoại xấu xa dã man tàn bạo cướp giết hiếp không gì không làm vì hắn thích thế chỉ bị vào tù, nhơn nhơn sống tiếp trong khi nạn nhân và/hoặc gia đình nạn nhân chịu khốn khổ suốt đời, chưa kể hắn có khả năng trốn tù và tiếp tục gây hoạ, tiền thuế của chúng ta được dùng để nuôi chúng là nhằm mục đích gì? Một kẻ như thế sống có ý nghĩa gì với xã hội? Chẳng bằng loại bỏ hắn khỏi cuộc đời này cho nước nó trong.
Để xem sau khi đọc truyện, quan điểm này của tôi có thay đổi không.”

Câu trả lời của tôi là “không”, thậm chí, càng củng cố quan điểm nêu trên.

Phần dưới đây không phải review mà là một vài suy nghĩ của tôi mỗi khi đọc đến một đoạn nhất định của truyện.

Vợ chồng Nakahara và Sayoko có con gái bị giết chết năm cô bé mới 8 tuổi. Kẻ thủ ác bị tóm một tuần sau đó. Rơi vào tuyệt vọng và phẫn nộ, họ coi việc đưa tên giết người lên giá treo cổ là mục đích sống của mình. Tuy nhiên, sau khi hắn nhận bản án tử hình, lòng họ trống rỗng.

Trang 164:

“Án tử hình chỉ là điểm mốc.

Khi anh còn tranh đấu cho phiên tòa, anh đã coi án tử hình là mục tiêu. Để rồi đến khi nhận ra nó hoàn toàn không phải là mục tiêu gì, anh đã tuyệt vọng như rơi vào một hố sâu thăm thẳm.”

Ý tác giả ở đây là gì? Muốn nói “án tử chẳng có ý nghĩa gì” chăng? Nếu vậy thì cơ sở lý luận có vẻ không được chặt chẽ. Anh cảm thấy trống rỗng, tuyệt vọng chẳng qua là vì anh đã đạt được mục tiêu đề ra. Giả như hung thủ thoát án tử, điều anh cảm thấy có lẽ còn tồi tệ hơn.

Trang 174:

“Sauk hi biết bản án được thi hành, cuộc sống của anh có gì thay đổi không?”

“Không” Nakahara đáp ngay tức khắc. “Không một chút nào.”

Tác giả muốn lần nữa nhấn mạnh sự vô nghĩa của án tử? Ồ, vậy ông lại bị nhầm về  mặt cơ sở lý luận lần nữa. Anh không cảm thấy gì không phải là vì án tử hình vô nghĩa mà là với anh, án tử đã có hiệu lực vào cái ngày tòa tuyên án. Tại thời điểm đó, hãy nhớ lại xem, lời tuyên đó đã có giá trị thế nào đối với vợ chồng anh.

Bản án tử hình không thể làm thay đổi thủ phạm, nếu có thì cũng chẳng để làm gì bởi hắn chẳng còn sống thêm bao lâu. Nhưng nó không vô nghĩa. Nó có ý nghĩa với gia đình nạn nhân như một sự xoa dịu và có ý nghĩa với xã hội khi xã hội đã loại bỏ một cây ra quả độc.

Trang 175:

Keigo đưa thêm một lý do cho luận điểm “từ hình là vô nghĩa” như sau: Tên giết người không hề hồi hận cho dù hắn nhận án tử. Ồ, cái chết còn không khiến hắn sợ hãi, vậy án tù có thể sao? Hơn nữa, sợ bị trừng phạt và thật tâm hối hận là khác nhau. Tuy nhiên, luật pháp chỉ có thể trừng trị thân thể, không thể điều khiển tinh thần. Chẳng gì có thể khiến thủ phạm ăn năn trừ chính bản thân hắn. Trên phương diện này, án gì cũng vô nghĩa như nhau. Vả lại, nếu hắn không ăn năn về tội ác  mình gây khả, khả năng hắn tái phạm như thế nào? Hãy ngăn chặn điều ấy bằng án tử. Đây chính là quan điểm khi ủng hộ án tử của tôi – án tử hình có ý nghĩa với xã hội.

Trang 184:

 “Nếu Hirukawa (tên kẻ giết bé gái) bị tử hình bởi tội ác đầu tiên, con gái chúng tôi sẽ không bị giết hại. Người giết chết con gái tôi chính là Hirukawa, nhưng kẻ để cho hắn sống, đưa hắn trở về xã hội chính là luật pháp nước này”

Lần này thì Keigo nói đúng ý tôi rồi. Đó đó, án tử hình chính là để loại bỏ khỏi xã hội những kẻ nguy hại.

Trang 350:

Anh X (tôi không muốn spoil nên tạm gọi thế) giết người nhiều năm trước, không ai biết việc đó vì thậm chí nạn nhân chẳng được ai ngoài thủ phạm biết đến. Sau đó, anh sống trong ăn năn, dằn vặt và làm mọi việc để chuộc lỗi. Nếu không biết quá khứ, chắc chắn ai cũng phải thừa nhận anh là một người tốt đến hoàn hảo. Nhưng Sayoko bắt anh phải đi tự thú, phải bị xét án tử hình, để đền mạng cho người đã khuất. Điều này đã được đề cập đến trong luận điểm đầu tiên của tôi khi ủng hộ án tử – Nợ máu phải trả bằng máu là lý do cuối cùng và yếu nhất. Pháp luật không phải công cụ dùng để trả thù. Việc áp dụng án tử một cách cực đoan như Sayoko không phải là điều một người ủng hộ án tử như tôi mong đợi. Ở chi tiết này, có sự khác biệt (hoặc thiếu logic) giữa Sayoko và Nakahara. Điều Sayoko muốn là nợ máu trả máu, điều Nakahara muốn là sự thực lòng hối cải của hung thủ. Xin lỗi nhưng tôi không thể tiêu hóa được cô Sayoko này thêm. Một là tôi không thích quan điểm hận thù của cô ấy, hai là cô ta đã phản bội lòng tin của cô Y (tránh spoil). Y tin tưởng Sayoko mới tâm sự với cô ta, thế mà cô ta lại dùng điều ấy để chọc ngoáy vào vết thương của Y và bắt Y o hải phản bội một người khác vì cái quan điểm cực đoan của bản thân.

Bỗng tôi nhớ đến Giáo hóa trường của Lôi Mễ. Thím Z (hình như họ Triệu, đọc lâu rồi nên tôi không nhớ nổi tên) đã tha thứ cho viện trưởng sau nhiều năm ông gây ra cái chết của con bà vì bà nhìn nhận ông thực sự ăn ăn về tội lỗi của mình. Khi bà tha thứ cho ông, linh hồn bà cũng được thanh thản. Tuy nhiên, mỗi người có một cách lựa chọn khác nhau. Tôi không thể yêu cầu Sayoko cũng hành như như thím Z. Mặc dù vậy, tôi cho rằng, muốn xã hội tốt đẹp hơn thì thím Z là sự lựa chọn tốt hơn.

Trang 358:

Ở một trang nào đó, luật sư Hirai – luật sư của kẻ giết cô bé 8 tuổi nói, cần có những kết cục khác nhau bởi mỗi câu chuyện đằng sau mỗi vụ án không giống nhau. “Kẻ giết người phải đền tội như thế nào?” Tử hình là vô nghĩa. Với cách viết của Keigo, điều này hoàn toàn chính xác. Và tôi lại nhắc lại lần nữa quan điểm về tử hình của mình – mục đích tối thượng của án tử không phải để trả thù, xoa dịu gia đình nhạn nhân hay răn đe mà là để loại bỏ mối nguy cho xã hội. Ví dụ trong tác phẩm này, sự sống tiếp của anh X không phải là mối hiểm họa cho sự an toàn của xã hội thì anh ta không đáng bị tử hình. Bản thân anh đã bị lương tâm mình trừng phạt và đang ra sức làm những việc có ích để tự đền tội. Xử cho anh chết đi thì tốt hơn ở điểm nào?

Câu hỏi tôi băn khoăn là Machimura có đáng bị tử hình không. Theo quan điểm của tôi về tử hình, đáp án là “có”. Ông ta chẳng những là loại cặn bã mà còn giết người có mục đích, dù mục đích của ông ta là gì chăng nữa. Tôi có chút cảm động vì cuối cùng, ông ta cũng biết nghĩ về con gái mình, biết trân trọng Nishina. Về mặt tình cảm, tôi muốn ông ta chỉ bị tù thôi, ông ta tuy bại hoại nhưng chưa mất sạch luơng tri. Ông ta xấu xa, ích kỷ nhưng ông ta giết người vì một người khác, chứng tỏ vẫn biết yêu thương. Người như thế tôi không nỡ tử hình. Nói thì nói thế chứ về lý trí, ông ta sống trong  tù 25 năm để làm gì? Ra tù khi 93 tuổi ư? Hay chết trong tù? Vô nghĩa như nhau. Tử hình lại tiện hơn. Lý trí và tình cảm của mỗi con người đều khác nhau. Keigo nói đúng: không có phiên toà nào hoàn hảo cho tất cả mọi người.

Đánh giá chung

Keigo vẫn rất mạnh ở khả năng chơi xếp hình. Những mảnh ghép nhỏ hợp lại thành một bức tranh. Không tỏ vẻ bí hiểm che giấu mà vẫn khiến người đọc chờ đợi bí ẩn nằm phía sau.

Chủ đề này tôi vô cùng quan tâm, chính vì thế mới có màn phát biểu cảm xúc dài mấy trang thế kia.

Văn phong điêu luyện, hấp dẫn.

Điểm trừ nặng là các căn cứ lý luận, như tôi lấy ví dụ trên, không đủ vững chắc.

Giấy hơi xốp, chữ ký dấu (tôi không quan tâm chữ ký nhưng đã hứa hẹn thì phải làm, pr cấm nhập nhèm đánh lận con đen), bìa bình thường.

Tổng điểm: 6.5, quá thấp cho một tác phẩm của Keigo.

One thought on “Thánh giá rỗng”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *