“TÌNH TIẾT” LÀ GÌ?

NBK Trịnh Thanh Nhã

 

Gần đây, có nhiều sinh viên hỏi tôi về một khái niệm hơi mơ hồ: “Tình tiết” là gi? Có bạn tự chiết xuất nghĩa từ, cho rằng đây chỉ là một cách gọi khác của khái niệm “chi tiết” vốn nghe phổ biến hơn, hoặc ngược lại – có vẻ phức tạp hơn – lại là từ ghép của hai khái niệm “Tình huống” và “chi tiết” bị gộp lại cho gọn khi xử dụng trong văn bản nghiên cứu hoặc bài phê bình phim nào đó.

Trong thực tế, với kinh nghiệm sáng tác và kiến thức góp nhặt từ nhiều nguồn tài liệu vụn vặt khác nhau, tôi nhận thấy khái niệm “tình tiết” là một khái niệm hoàn toàn độc lập, chỉ một hiện tượng đặc biệt trong thao tác xây dựng kịch tính cho kịch sân khấu hoặc phim. Sự mơ hồ về ngữ nghĩa của khái niệm này xuất phát từ cách quan sát và suy luận cái vỏ ngữ nghĩa mà không xuất phát từ trải nghiệm sáng tác. Vì vậy tôi nghĩ đã đến lúc các sinh viên chuyên ngành Biên Kịch, Đạo Diễn… và thậm chí cả những người đã từng làm nghề lâu năm cũng nên tự xác lập vòng nội hàm của khái niệm này, để không nhầm lẫn. Đồng thời mỗi khi thực hiện một quá trình xây dựng kịch tính cho phim hoặc kịch (SK) thì các biên kịch cũng biết rõ mình đang làm gì.

Bài viết này cũng chủ trương không trích dẫn, hay giới thiệu bất cứ nguồn tài liệu tham khảo nào, bởi đây là những hiểu biết được đúc rút từ trải nghiệm sáng tác cá nhân hơn là một nghiên cứu kinh viện.

Trong một số tài liệu của Pháp, Mỹ… có nhắc đến khái niệm “Sự biến”, tức là “sự kiện có biến động”.  Như vậy “sự biến” chắc chắn là một từ rút gọn của một khái niệm vốn có 4 từ để biểu đạt, và thường được dùng trong các tài liệu nói về quy trình xây dựng kịch tính cho phim truyện được phổ biến ở Pháp. Thực chất đó là khái niệm để chỉ những sự kiện/hiện tượng được gieo để gặt ngay hoặc sau đó rất lâu. Tuy nhiên “sự biến” được dùng phổ biến ở trạng thái “gieo”, trong khi “gặt” (vốn để chỉ sự kiện/hiện tượng có giá trị kết thúc một tình huống kịch, hay còn gọi là “sự hoàn thành” tình huống kịch điển hình. Và như thế, “sự biến” chính là một khái niệm đồng nghĩa với khái niệm “tình tiết”, tức là chỉ sự kiện/hiện tượng “chưa hoàn thành” để được tính như một tình huống kịch hoàn chỉnh. Với ý nghĩa này, “sự biến” cũng được gọi là một chốt cài chuẩn bị được tháo chốt ngay sau đó hoặc rất xa sau đó. Đây là một cách gọi khác của khái niệm TÌNH TIẾT. Nói rõ hơn, thì khi có một sự kiện nho nhỏ xảy ra (một người bị ai đó đuổi bắt, cô gái đang phơi đồ bị gió cuốn mất cái áo, một đứa bé bị mẹ ghẻ rủa xả… ) đều là những tình tiết quan trọng trong chuỗi sự kiện của câu chuyện, vì nó hứa hẹn sẽ có sự phản ứng của nhân vật đối trọng (chưa xảy ra ngay lúc đó). Khi một sự kiện xảy ra mà đã đạt được sự toàn vẹn (hay còn gọi là sự hoàn thành) tức là có phản ứng của nhv đối trọng thì đó gọi là tình huống. Nhưng trong phần lớn các kịch bản phim hay sân khấu, các tình tiết khởi động cho một tình huống lại chỉ được hoàn thành sau rất nhiều tình tiết khác. VD: Đứa bé bị mẹ ghẻ chửi mắng, nó im lặng chịu đựng. Nhưng rồi một ngày sau khi đã tích tụ đủ trải nghiệm sau những lần bị chửi mắng đánh đập ngày càng dã man hơn, nó có hành vi trả thù, hoặc tha thứ… thì đó là một tình tiết đã hoàn thành để trở thành tình huống. Như vậy nên hiểu: tình tiết chỉ xảy ra một lần, có thể được hoàn thành ngay hoặc sau đó rất lâu theo công thức mâu thuẫn cơ bản (MTCB) để trở thành tình huống: “nhv gặp chuyện gì đó, nó chọn giải pháp đối phó, và hệ quả của việc đối phó ấy lại bắt đầu chuỗi công thức MTCB khác”. Chỉ khi nó được hoàn thành thì nó mới trở thành một tình huống, còn khi tình tiết chưa được giải quyết thì nó vẫn chỉ là tình tiết thôi.

Một điều đáng lưu ý, là trong kịch bản phim truyện (điện ảnh hoặc truyền hình) thì “tình tiết” hiện diện nhiều hơn trong kịch bản sân khấu kịch. Bởi trong khi sân khấu bị khuôn chặt trong không gian ba chiều với thời lượng được quy ước chặt chẽ, với tính ước lệ phổ biến mang tính đặc thù… thì với phim truyện, “tình tiết” thường được xử dụng bởi cái tham vọng khiến truyện phim được khán giả tin “như thật”. Ở góc độ này, “tình tiết” ngoài cái nhiệm vụ khởi động một tình huống kịch, nó còn có nhiệm vụ cho thấy dòng chảy kịch tính phát triển logic nhất có thể, giống đời sống thật nhất có thể. Đồng thời, việc xử dụng “tình tiết” mau hay thưa trong kịch bản phim cũng phụ thuộc vào phong cách, thể loại phim mà tác giả lựa chọn. VD với thể loại tâm lý xã hội lãng mạn, các “tình tiết” sẽ thưa hơn, đôi khi bị các chi tiết gây cảm xúc lấn át: trong khi đó, với thể loại phim hành động hoặc điều tra, các “tình tiết” lại được tính toán chặt chẽ, chính xác và dày đặc khiến tiết tấu phim trở nên căng thẳng, hấp dẫn đến nghẹt thở.

Tuy nhiên để khái niệm này được sáng rõ, cần xác định sự khác biệt giữa các khái niệm “tình tiết’, “chi tiết” và “tình huống”. Khác với “chi tiết” (vốn chỉ là một hành vi, hiện tượng thoáng qua, không có khả năng hoàn thành ở bất kỳ trạng thái nào) thì tình tiết ngược lại luôn được hoàn thành. Nghĩa là với thao tác nghiệp vụ chuyên nghiệm, người BK có nghĩa vụ gieo và gặt, hoặc gọi cách khác là cài chốt và tháo chốt trong suốt quá trình xây dựng câu chuyện của mình nhằm thu hút sự theo dõi, thắc mắc, yêu ghét… của khán giả theo chủ đích của mình. Các vụ gieo càng sắc sảo thì vụ gặt càng bội thu.

Về công năng của các khái niệm có vẻ gần gũi nhau này, thì “chi tiết” thường được dùng để mô tả cái nền sinh động và tất yếu của đời sống, còn “tình tiết” ngược lại được chú trọng để thúc đẩy kịch tính (cần được hoàn thành), gây tò mò, hấp dẫn cho khán giả. Ví dụ: Một cô gái vừa thất tình. Cô ấy đi ra đường và gặp một cái lá từ đâu đó bay sạt qua mặt. Cô ấy không có phản ứng gì, (như bật khóc, hay cười cay đắng…). Nhưng chi tiết “cái lá rơi” làm nên sự bình dị và tất yếu của đời sống. Có thể gây cảm xúc nơi khán giả (thương cảm, hả hê…). Khi “tình tiết” được hoàn thành bởi một kết quả của quá trình đối phó do nhân vật, thì nó đã là một “tình huống” hoàn chỉnh rồi.

Tóm lại:

– Chi tiết làm nên cái nền đời sống cho truyện phim,

– Tình tiết là những tế bào nhỏ nhất tạo nên chuỗi kịch tính của truyện phim.

– Tình huống là sự hoàn thành của các tình tiết theo chủ quan của tác giả (dựa trên tính cách nhân vật đã được xác định trước).

Nói cách khác, tình tiết là tế bào nhỏ nhất, là chốt cài tạo nên sự khởi động của một đường dây, một chuỗi kịch tính. Nó là yếu tố, là nguyên liệu quan trọng đặc biệt trong việc xây dựng chuỗi kịch tính.

Do đó, Không có tình tiết -> không có tình huống kịch.

./.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *